Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Thực hư việc bón phân gây chết tiêu hàng loạt

Nguyên nhân tiêu chết do đâu?

Nhiều hộ trồng tiêu ở xã Quảng Sơn, huyện Đác G’long, tỉnh Đác Nông cho biết, vườn tiêu của họ sau khi bón phân xảy ra hiện tượng vàng lá, rụng đốt rồi chết hàng loạt. Nghi ngờ tiêu chết là do phân bón “có vấn đề” nên người dân đã giữ lại một số bao phân bón rồi báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng trôi qua, vẫn không có một cơ quan nào vào cuộc điều tra nguyên nhân, trong khi đó diện tích tiêu chết ngày càng tăng nhanh khiến nhân dân vô cùng lo lắng, sốt ruột. 
Người dân sốt ruột vì tiêu

Người dân sốt ruột vì tiêu 

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã đi thực tế tại một số vườn trồng tiêu ở địa bàn xã Quảng Sơn, chứng kiến rất nhiều diện tích hồ tiêu bị chết rụi hàng loạt. Ông La Văn Thành, bon N’Tinh có 1.500 trụ tiêu kinh doanh năm thứ tư, hiện tại đã chết khoảng hơn một nghìn trụ, ước tính thiệt hại khoảng 900 triệu đồng. Mặc dù đã bỏ rất nhiều tiền mua thuốc cứu vườn tiêu nhưng vẫn không hiệu quả, số tiêu còn lại vẫn đang tiếp tục chết khiến gia đình đứng ngồi không yên.

Ông Thành chia sẻ: trong một lần tham dự hội thảo về phân bón được tổ chức tại UBND xã Quảng Sơn được giới thiệu loại phân bón hữu cơ HB3 Mai Nở bón cho hồ tiêu rất tốt, mặt khác lại được khuyến mãi rất tốt. Nên sau khi kết thúc mùa mưa gia đình mua loại phân này về bón cho vườn tiêu. Lúc đầu, thấy cây phát triển bình thường như mọi khi, nhưng được khoảng một tháng, cây tiêu bắt đầu ngã bệnh.

Biểu hiện trên lá tiêu: ngả sang màu vàng, sau đó rụng đốt rồi chết rụi hàng loạt. Khi đào lên chỉ phát hiện gốc cây tiêu bị thối tại vị trí bón phân, ở vòng dây tiêu đôn gốc, phần gốc và rễ tiêu không bị … Ông nghi ngờ nguyên nhân tiêu chết có liên quan đến phân bón nên ông Thành đã giữ lại một số bao phân và báo sự việc này với chính quyền địa phương nhưng chưa thấy cơ quan nào đến tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết.

Nghi ngờ nguyên nhân tiêu chết có liên quan đến phân bón

Nghi ngờ nguyên nhân tiêu chết có thể do phân bón

Cũng dùng phân bón cùng loại như ông Thành, với các biểu hiện tương tự, vườn tiêu hơn một nghìn trụ của ông Đinh Văn Độ, ở thôn 3 xã Quảng Sơn cũng lăn ra chết hàng loạt với gần một nửa vườn, thiệt hại ước tính khoảng 400 triệu đồng. Ông Độ cho biết thêm, sau khi bón phân được khoảng một tháng nhận thấy vườn tiêu có biểu hiện bất thường nên đã giọi điện đến công ty phân bón theo thông tin được ghi trên bao bì để thông báo tình hình. Nhân viên trong công ty trả lời là nguyên nhân có thể do bón phân quá nhiều chứ phân hữu cơ thì không có vấn đề gì với cây trồng cả, và sau đó không thấy công ty cử người đến xem xét. Hiện nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ, trong khi đó số tiêu còn lại vẫn đang tiếp tục chết, nên ông đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân để bà con trồng tiêu an tâm sản xuất.

Theo thống kê, xã Quảng Sơn hiện có hơn 420 ha hồ tiêu. Chỉ tính ba tháng đầu năm 2017 đã có khoảng 80 ha tiêu bị chết, trong đó có hàng chục hộ dân có tiêu chết với diện tích rất lớn và nghi ngờ nguyên nhân có liên quan đến phân bón. Người dân đứng ngồi không yên trong khi chính quyền địa phương lại tỏ ra rất chậm trễ vào cuộc hoặc lúng túng trong việc xử lý khiến tiêu chết ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho người trồng tiêu.

Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Sơn K’Siêng nói: “Chúng tôi có nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng nhiều diện tích tiêu bị chết sau khi bón phân. Hiện đã kiểm tra một số vườn nhưng chưa xác định được nguyên nhân tiêu chết là do phân bón hay bị bệnh. Do ít người dân, địa bàn lại rộng nên chưa có thời gian để thống kê hết được số diện tích tiêu chết nghi liên quan đến phân bón. Khi thống kê xong chúng tôi mới báo lên cơ quan chuyên môn để họ kiểm tra, xác định nguyên nhân hồ tiêu chết”.

Các cơ quan chức năng không chịu làm việc với người nông dân

Các cơ quan chức năng không chịu làm việc với người nông dân

Người dân như ngồi trên đống lửa vì diện tích tiêu chết ngày càng tăng; chính quyền địa phương thì lại rất chậm trễ, lúng túng và trông chờ vào cơ quan chuyên môn. Còn các cơ quan chuyên môn lại viện nhiều lý do để không nhận trách nhiệm về họ. Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đác Nông Nguyễn Tuấn Khải lại cho rằng: “Do lực lượng mỏng, trong khi đó người dân lại sản xuất không tập trung, kể cả nơi vùng sâu, vùng xa nên khi có dịch bệnh xảy ra mà bà con không báo thì rất khó phát hiện. 

Không xử lý thông tin báo cáo bằng miệng, lực lượng mỏng không đủ điều kiện để xác minh, xử lý… đó là những nguyên tắc làm việc và lý do của các cơ quan chức năng. Còn trên thực tế, rất nhiều hộ dân đang lâm cảnh nợ nần, trắng tay do diện tích hồ tiêu bị chết vẫn đang tăng lên hàng ngày. Nếu vẫn không được điều tra, ngăn chặn lại, diện tích hồ tiêu thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện tại.

Bài liên quan


EmoticonEmoticon