Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Bạn có tin vườn tiêu chưa bao giờ xịt thuốc hóa học?

Tiêu ngọc Thơ đã đọc bài chia sẻ khuyến cáo của một nông dân trồng tiêu của Phan Viết Phát, bạn tieuphong ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai cũng muốn được nói lên những cảm nghĩ của người nông dân

Vườn tiêu chưa bao giờ phải dùng đến thuốc diệt cỏ, thuốc trừ bệnh gốc hóa chất


Đọc chia sẻ của Anh Phát rằng, vườn tiêu của anh chưa bao giờ phải dùng đến thuốc diệt cỏ, thuốc trừ bệnh gốc hóa chất, thậm chí anh còn quay lưng lại với nó nữa kia. Vườn tiêu có một cây bị bệnh cảm thấy không trị được là anh hủy chứ không chữa. Vì sao ư? Giữa thời đại sử dụng quá nhiều của loại thuốc hóa học mà anh ta tuyên bố như thế thì lạ quá. Chính điều đó đã kích thích chí tò mò của tôi

Xem thêm: Tiêu Globalgap

Vườn tiêu của anh Phan Viết Phát ở Đồng Nai

Vượt chặng đường dài hơn 60km để đến với anh ấy, đang dõi mắt theo dòng xe cộ thì giật mình: “tieuphong đấy ư”. Tôi hình dung anh cũng bụi bặm, gai góc như mình, nhưng ngược lại anh khá đẹp trai với vóc dáng thư sinh.

Nhâm nhi tách cafe, lòng lại háo hức muốn vào thăm vườn tiêu của anh. Dẫn tôi đi một vòng thăm quan vườn tiêu tôi mới hiểu vì sao vườn tiêu anh ta ít bị bệnh, thậm chí tiêu đã trên 15 năm tuổi vẫn xanh mướt không thấy biểu hiện sâu bênh.

Tôi cũng đã trên 20 năm trồng tiêu, thú thật tôi chưa thấy lá tiêu nào đẹp như lá tiêu vườn anh Phát, các lá to xanh mướt, mỡ màng nhìn thích lắm.

Theo quan sát của tôi, anh ấy biết gìn giữ môi trường hệ sinh thái trong khu vườn của mình, biết nuôi dưỡng bảo vệ các loài thiên địch có ích.


Các nhà khoa học đã nhận thấy vai trò to lớn của côn trùng thiên địch và đã có khuyến cáo rằng: “chúng ta không khi nào có thể phòng chống côn trùng hại thành công, mà lại thiếu sự giúp đỡ của các côn trùng khác”. Chính việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu lại vô tình đã tiêu diệt, xua đuổi những côn trùng, sinh vật có ích trong vườn của mình như: các loài ong, chuồn chuồn, bọ xít, bọ rùa, ruồi xám, … (đa số côn trùng là những loài có ích) và các loài chim.

Cách đây 2 năm tôi có đọc được tài liệu về các loại thuốc diệt cỏ, có nói loại thuốc do quốc gia nọ sản suất nhưng họ lại cấm sử dụng loại thuốc đó trong đất nước họ. Khi mang qua bán cho nước ta thì nông dân mình cứ phun xịt vô tư. Bác tôi, mỗi khi phun thuốc cỏ thì hay bị tức ngực khó thở. Khi đi khám bịnh, bác sỹ nói ngưng phun thuốc mới khỏi bệnh. Vì quá sợ bác quyết định bán vườn về Sài Gòn làm ăn, quả nhiên hết bịnh. Lâu ngày gặp lại, bác còn cười ha ha mà rằng: “còn phun thuốc cỏ chắc giờ này lên mây rồi”. 

Tôi nhớ những lần dùng thuốc hóa học đổ gốc tiêu để diệt rệp sáp, ngay sau khi đổ xong, giun đất ngoi lên quằn quại chết liền. Như các bạn biết, lợi ích của giun là làm thông thoáng, tơi xốp đất. Tôi cũng nhớ đọc ở đâu đó, chuyện kể rằng, có thời Trung Quốc tiêu diệt chim sẻ, do nó ăn lúa chưa gặt kịp trên các cánh đồng. Năm sau dân trồng lúa mất mùa thê lương do sâu bọ tàn phá, vì không biết được lợi ích của chim sẻ, món khoái khẩu của chúng là các loài sâu bọ trên ruộng lúa. Thế mới biết được cái lợi về bảo vệ các loài thiên địch, chim chóc to lớn đến vậy.

cái lợi về bảo vệ các loài thiên địch, chim chóc

Xưa kia ta cứ tưởng bọ xít phá hoại mùa màng, nay ta biết được bọ xít thuộc loại côn trùng bắt mồi ăn thịt. Chúng không ăn thực vật, nên đây là ưu thế tuyệt đối khi nuôi để thả ra ruộng làm thiên địch. Xưa kia dân mình hễ thấy vài con rầy là vác bình đi phun khắp vườn gọi là ngừa trước cho chắc ăn. Giờ nghỉ lại thương quá, thương cho cái sự nghèo nàn về kiến thức.
Theo tôi, Ông Trời sinh ra bọ trĩ để làm thức ăn cho bọ xít, nhiều loài rầy để làm thức ăn cho bọ rùa, nhiều loài chim để chúng ca hát và tiêu diệt sâu bọ… Tạo hóa sinh ra loài này để khống chế loài kia, thiên nhiên kỳ bí là vậy, cân bằng sinh thái là vậy. Quy luật muôn đời là thế, có sinh thì có diệt, ví như ta cứ tàn phá núi rừng vô tội vạ, thì thiên tai sẽ đổ sập xuống đầu chúng ta, đó là mưa bão lũ lụt…

Hạn chế sử dụng thuốc hóa học để bảo đảm sức khỏe chúng ta

Lâu nay chúng ta thường nghe trên các phương tiên thông tin đại chúng nói về ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp, nào là chôn xuống đất, nào là đổ xuống sông… Nhưng ít ai nói đến ô nhiễm môi trường do hóa chất sử dụng trong nông nghiệp. Bao nhiêu năm nay, cứ mỗi năm hàng trăm ngàn tấn hóa chất độc hại phun lên cây tưới xuống đất. Thế thì bao nhiêu phần trăm % lượng hóa chất ấy được phân hủy, bao nhiêu % làm ô nhiễm không khí và bao nhiêu % thẩm thấu xuống mạch nước ngầm? Chưa nói đến dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn tại trong các sản phẩm nông nghiệp nữa chứ. Mới nói đến thôi đã giật mình rồi, bấy lâu nay chúng ta đã tự đầu độc mình mà không biết.

Người ta bây giờ thường hỏi nhau: “sao bây giờ bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường… nhiều đến thế?”.

Đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc về cụm từ bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.


Sưu Tầm: Anh Phan Viết Phát - Đồng Nai.

Bài liên quan


EmoticonEmoticon