Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Khi cắt hom giống cần phòng trừ bệnh tiêu điên

Những năm trở lại gần đây, cùng với việc phát triển ồ ạt về diện tích đất trồng cây hồ tiêu, có một số vấn đề bà con thường mắc phải đó là việc chọn giống không được sạch, xử lí giống không đúng cách nên bệnh tiêu điên hiện nay phát sinh rất nhiều, chủ yếu là ở những trụ được cắt làm giống và tiêu con mới được trồng. Có rất nhiều vườn tiêu có bao nhiêu trụ thì đều bị hết bấy nhiêu, thiệt hại không thể kể xiết. Qua thực tiễn trồng tiêu nhiều năm, đúc kết được một số kinh nghiệm, tôi xin chia sẻ với  các bạn những kinh nghiệm phòng tránh bệnh tiêu điên. 

Trong bài viết này tôi cố gắng trình bày nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con dễ tiếp thu và vận dụng nhất là ở cách làm.  Bài viết gồm có 2 phần chính sau đây:

I. Cách xử lí trụ tiêu sẽ cắt lấy giống


Gồm có bốn công đoạn dưới đây:

-Công đoạn đầu tiên : Trước khi cắt lấy giống tiêu bốn tuần, ngưng sử dụng tất cả các loại phân bón gốc và đặc biệt tuyệt đối không sử dụng phân bón lá. Mục đích của việc làm này là để cho cây sinh trưởng chậm lại, khỏe và cứng cây, giảm sốc sinh lí cho cả hom giống lẫn cây tiêu gốc để lại.

-Công đoạn thứ hai : Trước khi cắt để lấy giống khoảng 1 - 2 ngày, tiến hành sử dụng thuốc trừ sâu trừ nấm bệnh (ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ được nhiều loại sâu bọ và nấm bệnh) xịt thuốc thật kỹ dưới mặt đất và thân, lá, trụ… nhằm tiêu diệt hết mầm mống sâu bệnh ở cây.

-Công đoạn thứ 3 : Lấy hom giống: dùng dao nhỏ, phải thật bén (lưu ý lau sạch bằng nước khử trùng), cắt theo đường xéo khoảng 20 - 25 độ. Phần hom thân ở chỗ mới cắt sẽ là nơi sinh ra bộ rễ khỏe nhất, nếu bà con dùng kéo cắt ngang thì hom giống sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi hom giống phải đạt yêu cầu có độ dài khoảng 30cm tối thiểu phải có 3 mắt. Bỏ những thân dây nhỏ yếu và những đoạn non, còn lại lấy hết. Phải bó lại theo từng bó nhỏ đưa vào góc nhà tắm (hoặc nơi có môi trường độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, ánh sáng yếu và không có gió…). Trước khi xếp vào góc nhà tắm, nhúng hom giống vào các dung dịch kích thích ra rễ. Xếp gọn theo chiều dựng đứng, để vài ngày rồi mới đem ra trồng hoặc cho vào bầu ươm. Lưu ý không để lâu quá, hom tiêu sẽ phát rễ non, khi vào bầu hoặc trồng sẽ không tránh khỏi dập và gãy rễ non rất nguy hại. Lúc này hom giống rất là cần có thời gian vài ngày ngủ để phân hóa mầm và rễ.

-Công đoạn thứ tư : đây là công đoạn rất quan trọng, đó là cách xử lý với những trụ tiêu giống còn lại. Khi cắt hom để lấy giống, nên để lại phần thân từ mặt đất lên trên khoảng 60cm, đây là tương lai của trụ tiêu về sau này. Khoảng sau ba tuần khi đã cắt hom giống, không nên làm gì cả, ngoại trừ việc duy trì giữ ẩm cho tới khi cây tiêu phát đọt non mới chăm sóc bón phân bình thường trở lại. Chú ý tuyệt đối không được bón phân gốc, xịt phân lá ngay sau khi vừa mới cắt hom giống. Cây tiêu khi đang sinh trưởng bình thường, việc bị cắt hom lấy giống làm cho mọi sự trao đổi chất đảo lộn, sinh lí cây bị rối loạn. Lúc này cây hồ tiêu cần có thời gian để tự điều chỉnh và lấy lại sự cân bằng tự nhiên của cây. Khi lấy hom giống xong , việc bón phân gốc và xịt phân bón lá ngay làm tiêu điên là cái chắc. Vì trong phân bón lá bao giờ cũng có các chất kích thích tăng trưởng cây, cây hồ tiêu đang rối loạn mà còn kích thích tăng trưởng thì tiêu không điên mới là điều lạ.

Lưu ý thật kỹ khi bón phân, cắt giống cây tiêu

Lưu ý thật kỹ khi bón phân, cắt giống cây tiêu


II. Cách xử lí đất trồng


Thẳng thắn mà nói, thì từ trước đến nay vẫn còn rất nhiều người mắc sai lầm trong việc xử lí đất trồng hồ tiêu. Hầu như chỉ mới chú ý vào xử lí phần bên ngoài (cái hố) mà quên mất phần bên trong (đất đưa vào hố). Những năm đầu khi mới trồng tiêu tôi cũng mắc lỗi như vậy mà còn tệ hơn thế nữa, cho tới khi cây tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm và phải trồng dặm lại tôi mới biết mình đã sai ở chỗ nào và đã tìm ra cách xứ lí hiệu quả mà không cần dùng đến thuốc hóa học nữa.

Cách mà tôi làm như sau : sau mùa mưa, lợi dụng đất đang còn ẩm ướt, tôi đào hố để phơi hố trồng trong suốt mấy tháng mùa khô. Số đất mặt dự tính để đưa xuống hố trồng tôi cuốc lật, đảo vài lần cho thật khô ráo. Khi trời mưa xuống, tôi trộn các loại phân tro, vôi trên miệng hố, đảo cho đều rồi lấp bằng miệng hố, vun đất xung quanh miệng hố tạo thành bồn (mục đích để khi tưới nước không bị tràn ra ngoài và mưa nhiều không cho nước tràn vào trong hố gây ngập úng). Sau đó tưới đủ nước, để 1-2 ngày sau độ ẩm trong hố đã đạt mức hợp lí thì mới mang giống tiêu ra trồng. Hom tiêu giống, tiêu con rất yếu chịu úng nước ta nên cần lưu ý kỹ.

Cách xử lí đất của ông cha ta từ xưa trước khi gieo trồng đến bây giờ vẫn không lạc hậu đó là “thứ nhất cày ải, thứ nhì rải phân”, hoặc “thêm hòn đất nỏ, thêm giỏ lúa”. Đất được cày phơi dưới nắng sau nhiều tháng, được đảo vài lần đât sẽ được giải độc. Sâu bọ, nấm bệnh không thể nào sống phát triển được, thậm chí dưới tác động của tia tử ngoại nang trứng của sâu bọ, bào tử nấm bệnh cũng sẽ bị tiêu diệt hết.

Cách xử lí đất tôi làm ở đây là mức nhỏ lẻ, trồng dặm, hoặc trồng xen, nên phải dùng “cơ bắp sức người”. Còn những ai trồng mới, địa hình khá thuận lợi thì sử dụng cơ giới. Việc xử lí đất hết mầm sâu bệnh và giải độc cho đất góp phần lớn trong việc phòng ngừa bệnh tiêu điên. Cách xử lí đất như trên thực sự mang hiệu quả như tôi mong đợi.
Mùa trồng tiêu đã bắt đầu sôi động, bạn đã có giống tiêu thực sự khỏe mạnh, đất sạch, bạn sẽ tự tin, an tâm và bạn sẽ thành công.


Cảm ơn anh Trịnh Văn Ba, khối 11, TT Ea K’Nốp ĐakLak đã chia sẻ bài viết

Bài liên quan


EmoticonEmoticon